Mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến và các thể bệnh

Vẩy nến là một bệnh lý về da mãn tính, nếu không được kiểm soát tốt, mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến sẽ khiến bạn phải lưu ý. Ngoài các thương tổn trên da, các biến chứng của bệnh vẩy nến ở các cơ quan khác trên cơ thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến qua một vài thông tin tổng quát

Bình thường, khi các tế bào da cũ chết đi, bong ra sẽ được thay thế bằng các tế bào mới. Vẩy nến là một bệnh lý về da mạn tính, trong đó các tế bào da tái tạo và phát triển nhanh hơn bình thường gấp 10 lần. Các tế bào da cũ và mới không kịp thay thế, chất chồng lên nhau, tạo thành các mảng da dày, đỏ, có vẩy trắng hoặc bạc, ngứa và đau.

Thông tin chung

Vẩy nến là bệnh rất phổ biến và hay tái phát. Ước tính trên thế giới, bệnh ảnh hưởng đến 2-3% dân số với khoảng 125 triệu người mắc bệnh. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc vẩy nến chiếm 5-7% tổng số bệnh nhân đến khám tại các phòng khám da liễu. Tỷ lệ người cao huyết áp ở người mắc bệnh vẩy nến là 20% và mắc vẩy nến thể nghiêm trọng là 47%.

Nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học đã có kết luận chung về hai yếu tố chính: di truyền và hệ thống miễn dịch.

Nguyên nhân từ hệ miễn dịch

Vẩy nến xảy ra do hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn và nhầm lẫn. Khi đó, cơ thể sẽ tăng tốc chu kỳ tăng trưởng của tế bào da, làm dày lớp da, viêm và tróc vẩy mạnh. Điều trị vẩy nến cần tận gốc, đó là đánh vào căn nguyên gây bệnh và tăng cường hệ miễn dịch.

Di truyền

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tính nhạy cảm với bệnh vẩy nến được thừa hưởng qua gen, tức là bệnh vẩy nến có yếu tố di truyền. Điều này có nghĩa là, nếu bố hoặc mẹ bị vẩy nến, khả năng di truyền cho con là 10%. Nếu cả cha và mẹ của bạn đều mắc bệnh vẩy nến thì nguy cơ của bạn lên tới 50%.

Ngoài ra, vẩy nến là bệnh có yếu tố lịch sử gia đình. Nếu có anh, chị, em ruột bị bệnh vẩy nến, nguy cơ mắc vẩy nến của các thành viên còn lại sẽ cao gấp 4 – 6 lần so với những người khác.

Tỷ lệ cùng mắc bệnh trong những cặp sinh đôi cùng trứng chiếm khoảng 70%, so với chỉ 20% ở những cặp sinh đôi không cùng trứng, một phát hiện có tính hỗ trợ quan điểm về khuynh hướng di truyền trong vẩy nến.

Môi trường

Bệnh vẩy nến tiến triển xấu hơn khi người bệnh tiếp xúc với những tác nhân gây kích ứng có trong môi trường hay hóa chất, vệ sinh cơ thể chưa phù hợp. Thông thường vị trí dễ mắc bệnh này nhất là đầu gối, khuỷu tay, khu vực phần rìa da đầu.

Vẩy nến không phải là bệnh truyền nhiễm nên hoàn toàn không thể lây từ người thông qua những tiếp xúc thông thường. Bởi vậy, người bình thường có thể sinh hoạt cùng môi trường với người bị bệnh này mà không lo truyền nhiễm.

Phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến

Để phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến, các chuyên gia dựa vào thang điểm PASI (Bảng Mức độ nghiêm trọng và Vùng bệnh Vẩy nến) và chỉ số bề mặt tổn thương BSA (Diện tích Bề mặt Cơ thể).

Phổ biến nhất trong số các bảng đánh giá tình trạng bệnh vẩy nến thì phải nói đến thang điểm PASI. PASI là từ viết tắt của Psoriasis Area and Severity Index. Nó mang ý nghĩa quan trọng, quyết định đến phương pháp điều trị và tiến trình theo dõi sức khỏe sau này.

Thang điểm PASI sẽ đánh giá trên 4 phần chính của cơ thể là đầu, thân, chi trên, chi dưới với thang điểm từ 0 đến 4 cho các tình trạng:

  • Độ tấy đỏ (ban đỏ)
  • Độ dày (chai cứng/thâm nhiễm)
  • Độ tróc da (bong vẩy)
Không mắc bệnh Nhẹ Trung bình Nặng Rất nặng
Tấy đỏ/ Ban đỏ

Không

Thang điểm 1 Thang điểm 2 Thang điểm 3 Thang điểm 4
Độ dày/ Tăng sừng hóa

Không

Nhẹ

Trung bình

Nặng

Rất nặng

Tróc da/ Bong vẩy

Không

Nhẹ

Trung bình

Nặng

Rất nặng

Phần trăm bề mặt cơ thể bị tổn thương (chỉ số BSA) cũng góp vai trò quan trọng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến. Các mức độ như sau:

  • Nhẹ: dưới 3%
  • Trung bình: 3-10%
  • Nặng: hơn 10%

Bệnh vẩy nến tuy ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tái phát thường xuyên nên ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Điều này có thể gây ra hàng loạt ảnh hưởng nguy hiểm khác như suy thận, suy tim, đột quỵ, huyết áp thấp…

Gần 90% người bệnh vẩy nến cảm thấy xấu hổ và bối rối, 62% cảm thấy áp lực, 58% thấy lo âu, 44% cảm thấy họ có vấn đề trong công việc với cảm giác thường gặp nhất là bị từ chối trong thăng tiến, không được chấp thuận để tham gia làm việc nhóm, v.v., 42% cảm thấy thiếu tự tin do ý thức tự giác và 40% gặp khó khăn trong các mối quan hệ tình cảm.

Các thể bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến

Vẩy nến thể mảng

Vẩy nến thể mảng tạo ra những vùng da bị viêm, ửng đỏ và có lớp vẩy bạc màu phủ lên. Những vùng da này gây ngứa ngáy và bỏng rát. Chúng có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể, và những nơi mà chúng thường xuất hiện nhất là: khuỷu tay, đầu gối, da đầu, phần lưng dưới.

Vẩy nến thể giọt

Vẩy nến thể giọt gây ra những đốm nhỏ ửng màu đỏ và hồng trên da. Thường hiện diện ở những nơi như: Phần thân trước, phần trên của tay, đùi, da đầu. Thể bệnh vẩy nến này sẽ khỏi trong vòng một vài tuần, kể cả khi không cần điều trị. Ở những trường hợp nặng hơn thì sẽ cần đến việc điều trị.

Vẩy nến thể đảo ngược

Thể bệnh vẩy nến này thường có những điểm thương tổn ở: nách, háng, phần da bên dưới vú, xung quanh bộ phận sinh dục và mông. Những triệu chứng bao gồm: những mảng da bị ửng màu đỏ sáng, bóng mượt, nhưng lại không xuất hiện vẩy da. Những mảng viêm này sẽ trở nên tệ hơn khi người bệnh đổ mồ hôi và bị cọ xát.

Vẩy nến thể mủ

Vẩy nến thể mủ không phổ biến và chủ yếu xuất hiện ở người trưởng thành. Nó gây ra các nốt mụn bọc mủ được bao quanh bởi vùng da đỏ ửng. Đây là dạng vẩy nến rất nghiêm trọng và bệnh nhân mắc bệnh này cần được trợ giúp y tế ngay lập tức.

Mụn mủ lòng bàn tay bàn chân

Vẩy nến mụn mủ lòng bàn tay chân mang đặc điểm có nhiều mụn mủ chìm sâu, kích thước 2 – 4 mm, màu vàng, mụn mủ vô khuẩn nằm trên nền dát đỏ viêm khu trú ở lòng bàn tay chân, bệnh có tính chất mạn tính, hay tái phát. Đa số tổn thương nhanh chóng thành đối xứng hai bên, thường bị lòng bàn tay, bàn chân kế tiếp nhau hoặc có khi chỉ có ở bàn tay hoặc bàn chân.

Vẩy nến da đầu

Vẩy nến da đầu là một rối loạn da phổ biến làm cho các mảng vẩy nổi lên, đỏ, thường có vẩy. Các mảng vẩy có thể nổi lên cục bộ hoặc lan rộng toàn bộ da đầu. Chúng cũng có thể lan ra trán, sau gáy, phía sau hoặc bên trong tai. Thể bệnh này thường ở mức độ nhẹ và hầu như không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng, tồn tại trong một thời gian dài và làm mảng bám dày lên hoặc bị vỡ.

Vẩy nến đỏ da toàn thân

Đây là thể vẩy nến hiếm gặp nhất nhưng cũng là loại cực kỳ nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bệnh nhân và gây ra những vùng da trải rộng có màu đỏ rực như bị bỏng. Nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Vì thể vẩy nến này còn gây ra những thương tổn trầm trọng như: Mất chất đạm và nước, bệnh nhân còn có thể bị nhiễm trùng, viêm phổi hoặc suy tim sung huyết.

Vẩy nến móng tay

Vẩy nến móng tay dễ xuất hiện ở những người mắc bệnh viêm khớp vẩy nến, làm ảnh hưởng đến các khớp xương của bạn. Thể bệnh này có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều móng tay. Thông thường khi xuất hiện bệnh vẩy nến móng, người mắc bệnh có thể gặp phải các biểu hiện: móng đau đớn và dễ bị gãy, móng bị thay đổi màu sắc (vàng nâu).

Vẩy nến lòng bàn tay bàn chân

Vẩy nến lòng bàn tay và lòng bàn chân có khuynh hướng dày, khô, đỏ một phần hoặc toàn bộ, thường kèm nứt sâu, đau. Thay đổi da có khuynh hướng giới hạn rõ và thường đối xứng, như phân bố ở cả hai lòng bàn tay/bàn chân. Vẩy nến lòng bàn tay khó chẩn đoán phân biệt với viêm da bàn tay và dạng khác của dày sừng mắc phải. Vẩy nến lòng bàn chân đôi khi có biểu hiện giống với nấm bàn chân.

Viêm khớp vẩy nến

Là tình trạng khi bệnh nhân mắc cả 2 loại bệnh là vẩy nến và viêm khớp. Các triệu chứng như: các khớp cứng và đau (nhất là vào buổi sáng sớm hoặc sau khi nghỉ ngơi), các ngón tay và ngón chân sưng tấy, các khớp có cảm giác nóng và còn có thể bị đổi màu.

Cùng chuyên mục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *